Trên rất nhiều các tuyến phố Hà Nội có hơn 1000 cây gỗ sưa, chúng đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo cảnh quan đường phố và điều hòa không khí trong sạch. Tuy nhiên, đã có rất nhiều cây gỗ sưa bị trộm và thành phố cũng đang có chính sách để bảo vệ các cây gỗ sưa này. Vậy tại sao gỗ sưa nhiều mà vẫn có giá trị “khủng”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Gỗ sưa là gỗ gì?
Theo Wikipedia, gỗ sưa hay còn lại là gỗ sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng, có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain. Cây sưa thuộc họ Đậu (Fabaceae) nhưng là cây thân gỗ.
Gỗ sưa có đặc điểm gì?
Về sinh học, sưa là cây thân gỗ nhỡ, lá rụng theo mùa, thường cao khoảng 6-12m (có thể đạt tới 15m) và sinh trưởng dạng trung bình. Thân gỗ sưa có dáng phân tán, thuộc dạng cây hợp trục. Màu vỏ thường có màu xám hay vàng nâu, nứt dọc. Các chồi non có màu xanh và có lông mượt, mịn nhưng không dày.
Lá cây mọc cách và có cấu tạo là dạng thể kép lông chim lẻ. Cụ thể, mỗi lá kép thường có khoảng 9 đến 17 lá chét mọc so le dọc theo cuống chính. Lá cây gỗ sưa có hình xoan, đầu và mũi lá nhọn, mặt sau phiến lá có màu phấn trắng. Mỗi lá chét có chiều rộng khoảng 3 đến 5 cm và dài khoảng 6 đến 9 cm và kích thước các lá chét nằm ở đầu cuống thường sẽ lớn nhất sau đó thu nhỏ dần. Cuống chính cũng như các cuống lá chét khác không có lông và phiên lá chét cũng không lông.
Hoa gỗ sưa được mọc ra từ nách của lá và thường có hoa trước khi lá sưa mọc đầy đủ. Hoa gỗ sưa có màu trắng mọc thành các tán có kích thước từ 7-9mm, có mùi thơm thoang thoảng. Hoa sưa thường nở vào tháng hai, tháng ba.
Quả gỗ sưa có hình trứng thuôn dài, kích thước mỗi quả dài khoảng 5 – 7,5 cm và rộng từ 2-2,5 cm. Mỗi quả thường chứa 1-2 hạt có hình dáng tương tự hạt đậu (quả thận dẹt), chiều dài mỗi hạt khoảng từ 8 – 9mm. Khi chín quả không tự nứt.
Có hai loại cây sưa chính là: Cây sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng có hoa đẹp, quả to và đốt không có mùi. Sưa đỏ trông gần giống cây sưa trắng, quả được kết thành từng chùm và đốt lên sẽ có mùi thối đặc trưng. Gỗ sưa đỏ có giá trị hơn gỗ sưa trắng.
Là một loại cây ưa đất sâu, độ ẩm cao và ưa sáng, gỗ sưa thường được tìm thấy ở rừng thuộc khu vực nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa. Chúng đang được phân bổ chủ yếu ở Việt Nam và một số khu vực của tỉnh Hải Nam (thuộc Trung Quốc).
Những tuyến đường phố nào của Việt Nam trồng nhiều gỗ sưa?
Theo thống kê gần đây, trên các tuyến phố Hà Nội hiện còn khoảng 1400 cây gỗ sưa, trong đó sưa đỏ có khoảng 600 cây. Gỗ sưa được trồng rải rác trên rất nhiều các tuyến phố của Hà Nội như Phan Kế Bính, trường Đoàn Kết (Hà Đông), vườn Bách Thảo, bảo tàng Dân tộc học, khuôn viên KTX Mễ Trì, Giảng Võ… Do có giá trị cao nên chúng thường xuyên được các “sưa tặc” săn lùng. Thành phố Hà Nội đã có biện pháp bảo vệ nhưng cũng không tránh khỏi được những mất mát.
Tại sao gỗ sưa lại có giá trị cao?
Hiện tại, giá một kg gỗ sưa tốt vào khoảng 10-12 triệu. Mức giá này đã giảm hơn một nửa so với thời điểm cách đây 5-6 năm. Khi đó gỗ sưa trở thành một món hàng đắt giá còn hơn vàng trên thị trường. Giá gỗ sưa vào khoảng 30 triệu, tức là nếu bạn có một cây gỗ sưa cổ thụ thì bạn đang sở hữu cả trăm tỷ đồng.
Tuy không còn quá sốt nhưng giá gỗ sưa hiện tại vẫn cao hơn các loại gỗ khác trên thị trường rất nhiều. Trong danh sách các loại gỗ đắt đỏ nhất, gỗ sưa được coi là gỗ quý tộc được các đại gia săn lùng.
Theo các chuyên gia, gỗ sưa có chất lượng rất tốt, đường vân gỗ đẹp, có mùi thơm tự nhiên nên được định giá cao về giá trị. Trong đó, sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm. Gỗ sưa đỏ có vân ở cả bốn mặt, mùi thơm thoang thoảng như hương trầm trong khi gỗ sưa trắng chỉ có vân hai mặt và mùi thơm cũng không có.
Về mặt tâm linh, gỗ sưa thường được sử dụng để làm các đồ nội thất, đồ cúng, phong thủy như tượng Phật, lộc bình, thần tài… Đây cũng là một lý do nữa khiến loại gỗ này ngày càng trở nên khan hiếm và được liệt vào nhóm 1A nghiêm cấm khai thác và mua bán vì mục đích thương mại.
Trước đó, còn có một số thông tin cho rằng gỗ sưa được sử dụng như một loại thuốc quý được người Trung Quốc xưa dùng làm chất ướp xác lăng mộ. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận.